Kinh Kim Cang (Kinh Kim Cương) là gì? Nguồn gốc Kinh Kim Cang ở đâu?

Trước khi tham gia khóa học Năng Đoạn Kim Cương, bạn đọc có thể tham khảo bài viết này để biết được Kinh Kim Cang (hay còn gọi là Kinh Kim Cương) là gì, Nguồn gốc Kinh Kim Cang và Ý nghĩa của Kinh Kim Cang. 

Kinh Kim Cang (Kinh Kim Cương) là gì?

Kinh Kim Cang (hay còn gọi là Kinh Kim Cương), tên đầy đủ là Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa, là một trong những bài kinh quan trọng nhất của Phật giáo Đại Thừa. Đồng thời được xem là một bài kinh căn bản của Thiền tông, vì chứa đựng tinh hoa, cốt tủy của giáo lý Bát Nhã.

Ấn bản Kinh được khám phá ra năm 1907 tại một hang động gần Đôn Hoàng, Trung Quốc, in vào khoảng 868 sau CN
Ấn bản Kinh Kim Cương được khám phá ra năm 1907 tại một hang động gần Đôn Hoàng, Trung Quốc, in vào khoảng 868 sau CN

Nguồn gốc, lịch sử kinh kim cang

Kinh Kim Cang thuộc vào bộ kinh đồ sộ nhất của Phật giáo Đại Thừa, tức là bộ Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa gồm 40 bài kinh, in thành 600 cuốn. Cũng nằm trong bộ kinh này là bài Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh. Hai bài kinh này là 2 bài kinh được tụng niệm nhiều nhất tại các chùa thuộc hệ Đại Thừa.

Nguồn gốc và thời điểm của sự xuất hiện của bộ Bát Nhã Ba La Mật Đa còn mang nhiều điều bí ẩn.

Theo đa số nhà Phật học, bộ kinh này phát xuất từ miền Trung và miền Nam Ấn Độ. Etienne Lamotte cho rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa khởi đầu từ miền Tây Bắc và Trung Á, do ảnh hưởng của nền văn minh Địa Trung Hải và Hy Lạp trong giai đoạn nảy sinh ra Đại Thừa. Nhưng theo Edward Conze, một trong những học giả uyên thâm nhất về Bát Nhã Ba La Mật Đa, điều này chỉ chứng tỏ rằng bộ kinh này được thịnh hành tại miền Tây Bắc trong triều đại Kouchan (thế kỷ I sau Công Nguyên), chứ không phải là nảy sinh tại đây.

Bản Kinh thêu trên gấm, từ thời Tây Sơn (khoảng 1800), gìn giữ tại chùa Trúc Lâm, tỉnh Quảng Trị, trong một hộp gỗ trầm có khắc chạm
Bản Kinh Kim Cang thêu trên gấm, từ thời Tây Sơn (khoảng 1800), gìn giữ tại chùa Trúc Lâm, tỉnh Quảng Trị, trong một hộp gỗ trầm có khắc chạm

Theo ông, sự phát triển của Bát Nhã Ba La Mật Đa kéo dài hơn 10 thế kỷ và có thể chia ra làm 4 thời kỳ:

1) Từ 100 trước CN tới 100 sau CN là giai đoạn hình thành phần cơ bản của kinh.

2) Trong 200 năm sau, phần cơ bản này được tăng cường mạnh mẽ.

3) Trong 200 năm tiếp theo, cho tới 500 sau CN, các ý tưởng căn bản được đúc kết lại thành những bài kinh ngắn (trong đó có Kinh Kim Cương), đồng thời những bài tóm tắt có vần điệu.

4) Trong giai đoạn cuối (600-1200 sau CN), ảnh hưởng của Mật Tông bắt đầu thấy rõ, với sự thâm nhập bởi các câu thần chú và làm giảm bớt ảnh hưởng của bộ Kinh.

Tuy nhiên, có một số học giả (đa số người Nhật) không đồng ý với quan điểm này và cho rằng Kinh Kim Cương xuất hiện sớm hơn.

Nói tóm lại, thời điểm của sự xuất hiện của Kinh Kim Cương vẫn chưa được xác định một cách rõ rệt. Nhưng người ta có thể phỏng đoán rằng bài Kinh này, dưới một hình thức này hay một hình thức khác, xuất hiện vào một thời kỳ rất sớm trong bộ kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức là vào khoảng thế kỷ I – II sau CN.

Cấu trúc của bài Kinh Kim Cang

Bản nguyên văn chữ Phạn không chia ra chương mục gì cả, nhưng theo truyền thuyết bài kinh được Chiêu Minh Thái Tử (501-531) đời nhà Lương chia ra làm 32 đoạn (gọi là phân hay phận) cho dễ nhớ. Thật ra theo một nguồn tin có căn cứ hơn, sự phân chia này là do một gia đình họ Quá, tỉnh Tứ Xuyên, vào cuối thế kỷ thứ IX-đầu thế kỷ thứ X sau CN.

Trong các bản dịch tiếng Hán, có những bản dài hơn và được chia làm 52 đoạn. Đặc biệt là bản dịch Việt của HT Thích Trí Quang gồm những câu 4 chữ, để cho dễ tụng niệm. Toàn bài có 1544 câu, chia làm 52 đoạn, với 3 phần: “Mở đầu, Nội dung và Kết thúc”, mỗi phần chia ra làm 5 lớp.

Phần đầu của bài Kinh thêu trên gấm, chùa Trúc Lâm, Quảng Trị
Phần đầu của bài Kinh thêu trên gấm, chùa Trúc Lâm, Quảng Trị
Phần cuối của bài Kinh thêu trên gấm, chùa Trúc Lâm, Quảng Trị
Phần cuối của bài Kinh thêu trên gấm, chùa Trúc Lâm, Quảng Trị

Thật ra, chúng ta không nên bám chặt vào tên và thứ tự của các phận đó để đọc và hiểu kinh. Vì như chúng ta sẽ thấy, giữa những phận đó không có một sự sắp xếp mạch lạc gì cả và nội dung của chúng cũng không đồng đều, với tầm quan trọng, chiều sâu khác biệt nhau.

Vì vậy cho nên đối với nhiều người, Kinh Kim Cang cũng như toàn bộ kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa không phải là để hiểu bằng lý trí, phân tích, suy luận mà phải để hiểu bằng trực giác, bằng trái tim.

Ý nghĩa Kinh Kim Cang (Kinh Kim Cương)

Đối với người tu học Thiền, Kinh Kim Cang đóng một vai trò khai ngộ đặc biệt, bởi vì chính nhờ câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong bài Kinh mà Lục tổ Huệ Năng và nhà vua Trần Thái Tông đều đạt được đại ngộ.

Bài Kinh Kim Cang này thường được tụng niệm tại các chùa thuộc hệ Đại Thừa, nhưng ít khi được tìm hiểu và trình bày một cách cặn kẽ, ngoài một vài câu nổi tiếng được dẫn chứng trong các bài thuyết pháp. Lý do có lẽ là Kinh khó hiểu, với một hình thức đặc biệt làm cho người đọc dễ bị lôi cuốn, một số câu cô đọng chứa đựng tất cả cái cốt túy tinh hoa.

Kinh thâm thúy, cao siêu và khó hiểu, nhưng không phải là không thể tìm hiểu được. Phải gạt bỏ nhiều đoạn lập lại của bài Kinh, mới có thể đi sâu vào cốt tủy của thông điệp Bát Nhã. Đồng thời sẵn sàng chịu đựng sức tàn phá của bài Kinh, làm cho nhiều định kiến tích tụ lâu ngày bị đảo lộn, một cách không ngờ nhưng bổ ích.

– Nguồn: Tổng hợp từ Internet –